NGÔI CHÙA TRONG TÂM

Mùa đông năm nay thật đặc biệt, dù đã đến tháng mười một rồi nhưng ở miền nam trời vẫn còn mưa lai rai trong khi vẫn chưa thấy lạnh như mọi năm. Thế nhưng hai hôm nay đột nhiên trời trở lạnh, vào những lúc sáng sớm tinh mơ đi thiền hành trong sân với cái lạnh se se cảm thấy thú vị làm sao

Cảm nhận được cái lạnh đầu đông bổng dưng tôi nhớ đến quê nhà nơi miền Trung thân yêu có lẽ thời gian này đã thấm thía cái lạnh rồi. Lại nhớ năm xưa vào những năm tháng của tuổi thơ mỗi tối mùa đông sau một giấc ngủ dài biết trời đã sáng nhưng vẫn trùm kín chăn không dám ngồi dây, để rồi sau đó nghe tiếng mẹ vừa kêu vừa kéo chăn mới thu hết can đảm vùng dậy nhìn đồng hồ thì thấy sắp muộn giờ đi học, thế là vội vội vàng vàng đánh răng súc miệng, ăn vội bát cơm nóng mẹ đã dọn sẵn rồi trùm áo mưa lội bộ đến trường trong cái rét se sắt da thịt.

Việc trở dậy để đi học trong những buổi sáng mùa đông đối với tôi là một cực hình và nếu không bị mẹ kéo chăn kêu dậy, không bị cha la mắng, dọa dẫm thì tôi đã ngủ nướng đến không biết bao giờ mới dậy. Bỡi thế tôi rất khâm phục mấy chú tiểu trên chùa mặc dù chỉ bằng trang lứa với tôi, cùng đi học trường làng với tôi với cái đầu cạo trắng chỉ còn một lọn tóc nhỏ dắt mang tai trông thật ngộ nghỉnh và luôn luôn đến trường với bộ quần áo màu đà giản dị, mấy chú cũng đang độ tuổi ham ăn ham ngủ như tôi thế mà mới bốn giờ sáng đã phải thức dậy thỉnh chuông và công phu sáng. Trong khi vào giờ đó tiếng chuông chùa ngân vang tôi lại nghe như một âm thanh dễ chịu dìu tôi tiếp tục vùi mình trong chăn ấm tiếp tục giấc ngủ.

Nhà tôi ở gần chùa làng, một ngôi chùa cổ kính mái ngói rêu phong khiêm tốn nép mình dưới những tàn lá của hai cây bồ đề cổ thụ giửa sân. Tru trì chùa là một vị thầy đã cao tuổi ít nói,  nghiêm nghị cùng mấy chú đệ tử ngày ngày tụng kinh niệm Phật và cùng đi làm ruộng, trồng rau ở khoảnh đất sau chùa. Tuổi thơ tôi gắn chặt vào ngôi chùa cổ kính đó vì từ nhỏ tôi đã được mẹ dắt đi chùa vào những ngày sóc vọng. Mặc dù khi nào cũng vậy, trước khi đi mẹ đều dặn lên chùa gặp thầy và mấy chú là con phải chắp tay lạy thầy và xá mấy chú nghe con. Thế nhưng khi vào chùa gặp thầy là tôi mạnh dạn chắp tay thưa “Con lạy thầy” và khi nào cũng được thầy xoa đầu khen ngoan, nhưng khi gặp mấy chú là tôi luống cuống không thể nào chắp tay lên ngực được mà chỉ nhìn mấy chú cười khì và bị mẹ la là thiếu lể phép. Thực ra tôi không hề thiếu lể phép chút nào mà chỉ vì mấy chú đi học chung trường chung lớp lên trường chơi đùa xưng mi tau quen rồi nay tự dưng làm mặt nghiêm chào hỏi tôi thấy ngượng quá, mà hình như mấy chú cũng ngại ngùng khi chắp tay xá đáp lễ với tôi mà cũng chỉ cười trừ, thế là chúng tôi thỏa thuận ngầm “miễn lễ” cho nhau.

Lớn lên tý nữa vào các chiều chủ nhật tôi lại theo chị đi sinh Hoạt Gia Đình Phật Tử và được các anh chị trưởng dạy cho những bài giáo lý căn bản đầu đời và cùng chúng bạn vui chơi hát hò, nhưng thích nhất là những lúc có lễ lớn như lễ Phật đản, Vu lan.., làng tôi vui như trẩy hội người người từ sáng sớm đã lũ lượt kéo đến chùa lễ Phật, còn chúng tôi được cắm trại trong sân chùa, được tổ chức văn nghệ, ca hát. Những lúc như thế ngôi chùa làng hình như thoát xác khỏi cái u trầm, tỉnh mịch cố hữu thường ngày mà rộn ràng lễ hội với cờ xí trang hoàng rực rở với người vào ra tấp nập. những lúc như thế này tôi nghe tiếng chuông hình như cũng khác hơn, không còn u buồn trầm lắng mà tôi quen nghe hằng đêm hoặc lúc sáng sớm, tiếng chuông lúc này nghe như thanh thoát, nhẹ nhàng nhưng cũng rộn rã hơn…

Cứ thế tuổi thơ của tôi âm thầm trôi qua  trong một làng quê  nghèo, dưới một mái nhà tranh gần ngôi chùa làng với những kỷ niệm thật đẹp và nhất là tiếng chuông chùa sớm tối đã ăn sâu vào ký ức tuổi thơ. Lớn lên tôi lên tỉnh học xa gia đình, xa mái nhà tranh thân yêu ấp ủ tôi những tháng ngày niên thiếu, xa ngôi chùa làng cổ kính với tiếng chuông ngân nga mỗi sớm tối, xa những chú tiểu là những người bạn nhỏ dễ thương, khi tôi đã trở thành thanh niên đi vào đời tục lụy thì mấy chú cũng đã trở thầy những vị sư rời chùa để đi hành đạo ở các phương trời khác…

Sau ngày đất nước hết chiến tranh chúng tôi lại về quê sinh sống và sau một thời gian im hơi lặng tiếng ngôi chùa đã hồi sinh trở lại và tiếng chuông công phu khuya lại ngân nga sớm chiều. Vào những năm đầu thập niên 1980s, tình hình kinh tế đất nước vô cùng khó khăn vì mất mùa đói kém, dân miền Trung lũ lượt kéo nhau vào miền Nam kiếm kế sinh nhai. Tôi cũng theo đoàn lưu dân đem gia đình tìm miền đất hứa vì không thề tiếp tục chịu đựng cuộc sống khó khăn về kinh tế và ức chế về tinh thần  nên  tôi đành lòng rời xa mảnh đất chôn nhau cắt rốn, xa ngôi chùa làng thân thương và tiếng chuông chùa hôm sớm ngân nga cũng đã đi vào ký ức để làm một người xa xứ tha phương cầu thực.

Miền đất mới của miền Đông Nam Bộ đã dung nạp chúng tôi, những người dân miền Trung đồng chung cảnh ngộ. Cuộc sống nơi miền đất khách được bắt đầu với vô vàn khó khăn, chúng tôi phải tập quen phá rừng làm rẫy trồng bắp, trồng mì kết hợp với làm thuê làm muôn để kiếm cái ăn cho gia đình. Vì thời cuộc, một cách vô tình những vùng kinh tế mới toàn dân miền Trung đã hình thành trên đất Nam Bộ. Với bản chất chịu thương chịu khó, những người dân miền Trung rời quê với hai bàn tay trắng nhớ đất mẹ phương nam cưu mang, nuôi dưỡng qua vài mùa mưa là cuộc sống đã ổn định, mặc dầu vẫn còn vô vàn khó khăn nhưng đã có cái ăn cái mặc.

Bản chất của người miền Trung coi trọng đời sống tinh thần và nhu cầu tâm linh, thế nên sau khi tạm thời ổn định cuộc sống  những phật tử phải tìm cách cất lên một mái chùa để làm nơi nương tựa cho nhu cầu lễ bái, tu học. Nhưng đất nước ta vào những thập niên 1980 chính sách về tôn giáo chưa được thông thoáng, việc dựng lên một ngôi chùa trong một vùng đất mới là một điều không dễ thực hiện được. Thế là với tất cả tâm huyết với nhu cầu của đời sống tâm linh thúc bách, những người phật tử miền Trung chúng tôi lại tìm ra những phương kế mới. Chỉ với một số phật tử lớn tuổi và một số huynh trưởng Gia Đình Phật Tử đã gặp gở bàn bạc  tìm một nơi để lễ bái trong những ngày sóc vọng và thực hiện lễ lược của Phật giáo, sau nhiều lần cố gắng xin dựng chùa không được chúng tôi thấy không cách gì khác hơn là  mượn một ngôi nhà một bác phật tử lớn tuổi tương đối rộng rãi một chút để làm “Niệm Phật Đường”.

Từ đó mỗi tối sóc vọng, mỗi khi lễ lược chúng tôi cũng đều tập trung làm lễ Phật tại tư gia phật tử đã phát tâm cho mượn làm Niệm Phật Đường,  một GĐPT mới do các anh huynh trưởng thành lập bắt đầu sinh hoạt, thế là trong vô vàn gian khó những người phật tử tha phương của chúng tôi đã tìm cho mình một “mái chùa” để nương tựa phục vụ nhu cầu tu học, lễ bái trong vùng đất mới nơi vùng sâu vùng xa của miền nam này.

Năm tháng cứ thế qua đi, những khó khăn ban đầu rồi cũng quen, những người phật tử tạm có nơi lễ bái, tu học và số người đi chùa trở lại ngày càng đông, các thế hệ thanh thiếu nhi phật tử lạ iđược bắt đầu học giáo lý đạo Phật với những anh chị huynh trưởng GĐPT.

Có một lần một vị thầy khả kính mà  nhiều người trong chúng tôi quen biết từ miền Trung đi phật sự tiện thể ghé thăm một người bà con trong làng, những người Phật tử lâu nay vốn rất thiếu thốn hình ảnh của một vị Tăng đến hoằng hóa nên khi biết thầy từ miền Trung vào đêm đó hầu hết phật tử trong vùng đã đến thăm và vấn an thầy. Trong căn nhà nhỏ chúng tôi ngồi quây  quần trên những chiếc chiếu với những ly trà nóng do chủ nhà mời, thầy ngồi giửa chiếu hỏi han trò chuyện. Chúng tôi đã hỏi thầy đủ thứ nào là chuyện quê nhà, chuyện tình hình Phật giáo hiện thời, chuyện tình hình sinh hoạt GĐPT… Thầy vừa trả lời vừa thỉnh thoảng đặt câu hỏi với chúng tôi về tình hình tu học của phật tử nơi miền đất mới, tìm hiểu xem chúng tôi đang gặp những khó khăn gì…trong lúc câu chuyện đang râm ran đột nhiên thầy hỏi:
Các bác đã có chùa chưa?

Mọi người nhìn nhau im lặng, hình như một nỗi đau giấu kín nay bị khơi lại, một nỗi niềm, một hoài bảo chưa thực hiện được đành âm thầm chôn chặt nay được thầy đánh thức. Sau vài phút im lặng nặng nề một huynh trưởng GĐPT trả lời thầy
Dạ, có rồi ạ.
Có ở đâu?
Dạ, bạch thầy có trong tâm ạ!

Thầy bật lên một tiếng cười hỷ lạc, phật tử ngồi chung quanh cũng thờ ra khoan khoái.

Câu trả lời của anh huynh trưởng đã làm đẹp lòng thầy, câu chuyện sau đó trở thành  một buổi pháp đàm ngắn. Thầy giảng giải phân tích cho chúng tôi về ý nghĩa của ngôi chùa trong tâm và ngôi chùa hình tướng bên ngoài. Thầy nói muốn thực hiện được ngôi chùa hình tướng thì trước nhất quý phật tử phải cũng cố ngôi chùa trong tâm thật vững chắc bằng cách phát tâm bồ-đề bất thối chuyển, phật tử chúng ta quyết tâm vượt qua bao khó khăn, gian khổ để xây dựng ngôi chùa trong tâm thật bền chắc, đạo tâm thật vững bền rồi thì trong tương lai không xa ngôi chùa hình tướng  cũng sẽ hình thành. Đừng vội lo xây dựng ngôi chùa hình tướng mà lo tu đi đã, vì nếu cho dù có chùa to, Phật lớn mà tâm phật tử đầy dẫy phiền não, tỵ hiềm, chấp nhặt hơn thua,  danh tướng…thì dù chùa to cỡ nào cũng không có sức sống Phật Pháp. Vì vậy quý phật tử cứ bước những bước thật vững chắc, tu hành theo đúng chánh pháp, đừng lùi bước trước chướng duyên, đừng  thối tâm khi mong cầu không được như ý, hãy mở rộng lòng ra đem tâm từ bi và hỷ xã ra mà sống với đồng đạo, mà ứng xử với đời thì tâm nguyện có một ngôi chùa để tu tập, lễ bái chắc chắn sẽ thành tựu vào một ngày không xa…

…Mấy mươi năm đã qua, dòng sông đời vẫn âm thầm lặng lẽ  trôi qua như nước chảy gầm cầu, giờ đây thế hệ đầu tiên vào sinh cơ lập nghiệp trên vùng kinh tế mới ngày nào có người đã khuất bóng, đa số còn lại thì cũng đã đường đời bóng xế, tóc ngã màu sương. Qua bao thăng trầm, thời cuộc đổi thay, giờ đây phật tử đã có một ngôi chùa khang trang để tu học, lễ bái, số phật tử đến chùa quy y Tam Bảo ngày càng đông, Phật Pháp được xiễn dương nơi miền đất xa xôi này. Nhớ lại những tháng ngày gian khó vừa cũng cố ngôi chùa trong tâm vừa lo xây dựng ngôi chùa hình tướng bên ngoài, có nhiều lúc gặp những chướng duyên, nghịch cảnh đôi lúc tưởng chừng như không vượt qua khỏi.

Có những lúc gặp phải những muộn phiền, bất ý, những cảnh trái ngang của nhân tình thế thái,  đổi trắng thay đen đã khiến tâm tư chất ngất phiền não, đã toan thối thất tâm bồ-đề. Những lúc như thế  tôi cố nhớ lại những ngày tháng xa xăm ngày nào, những lúc vừa kiếm cái ăn cái mặc cho gia đình vừa chung lo kiếm nơi để sinh hoạt tâm linh sao gian khổ thế mà đầy ắp niềm vui, đầy ắp tình người, tình đồng đạo.Tôi lại nhớ đến hình ảnh thầy trò ngồi quây quần bên manh chiếu cũ, dưới ánh sáng tù mù của ngọn đèn dầu hàn huyên chuyện đạo, cùng sách tấn nhau vững bước tiến tu, nhớ lời thầy dạy năm xưa về cách cũng cố ngôi chùa trong tâm cho thật vững chắc lòng tôi chợt lắng lại cố buông bỏ mọi phiền não, thanh lọc thân tâm, phát tâm từ, tâm hỷ để tiếp tục cuộc hành trình theo dấu chân Phật đã phát nguyện.

                                                                                               Tâm Lễ – Vườn hoa Phật giáo
digg delicious stumbleupon technorati Google live facebook Sphinn Mixx newsvine reddit yahoomyweb