GĐPT BÀ RỊA VŨNG TÀU TỔ CHỨC NGÀY HẠNH
Nhằm tạo điều kiện cho các huynh trưởng ngành Nữ trong tỉnh giao lưu, học hỏi, thăng tiến tu tập bản thân, trao đổi kinh nghiệm điều hành, hường dẫn đàn em tại các đơn vị, đồng thời kết hợp với ngày thăm viếng của huynh trưởng ngành Nữ BHD.TƯ. Ban Hướng Dẫn GĐPT Bà Rịa Vũng Tàu tổ chức ngày Hạnh vào lúc 07 giờ ngày 14 tháng 7 năm 22013 tại chùa Bảo Quang xã Hòa Hội, Xuyên Mộc, BRVT.
Từ 6 giờ sáng nhi những tai nắng đầu ngày bắt đều tỏa xuống vạn vật đã thấy phất phới những tà áo dài lam từ khắp nơi câu hội về tạo cho sân chùa Bảo Quang một không khí thật rộn rã với những tiếng chào nhau, tay bắt mặt mừng như người thân lâu ngày mới gặp!
Ni Sư trụ trì chùa Bảo Quang đồng thời cũng là Cố vấn giáo hạnh GĐPT.BRVT, là một vi tu sĩ rất thương tưởng và che chở cho GĐPT, thế cho nên tổ chức ngày Hạnh ở đây quý chị trong Ban Tổ Chức đã được Ni Sư và đơn vị sở tại trợ duyên mọi mặt nên từ hình thức đến khung cảnh đã được chuẩn bị rất chu đáo.
Đúng 8 giờ lễ khai mạc ngày Hạnh đã được long trọng tổ chức dưới sự chứng minh của Ni Sư Thích Nữ Nguyên Lộc trụ trì chùa Bảo Quang, cố vấn giáo hạnh GĐPT.BRVT. Về phía phái đoàn ngành Nữ Ban Hướng Dẫn TƯ có chị Diệu Quang UV.Nữ Oanh VŨ, chị Đức Trang UV.TTXH, chị Nhật Quế PTUV Thiếu Nữ và anh Tâm Chế Trưởng BHD tỉnh chủ tọa. Ngoài ra còn có sự hiện diện của đông đủ quý anh chị trong BHD tỉnh, Ban ĐD.BHD tại các huyện và đại diện BHT của các đơn vị về tham dự. Đã có 112 huynh trưởng nử đại diện cho 25/27 đơn vị đã hiện diện trong ngày Hạnh.
Chị Diệu quang thay mặt BHDTƯ ban huấn từ đã tán thán tinh thần vượt khó, khắc phục mọi trở lực để tổ chức được ngày Hạnh truyền thống cho chị em có dịp traođổi tu học và chị cũng tán thán tinh thần trợ duyên của Ni Sư trụ trì và BHD tỉnh BRVT đã tạo điều kiện cho ngành Nữ tổ chức được một ngày Hạnh thật trang trọng và mang lại tinh thần phấn khởi cho các chị em.
Ban đạo từ trong buổi lễ khai mạc, Ni Sư chứng minh đã nhắc đến hạnh nguyện của Bồ tát Quán Thế Âm cho đến những tấm gương sáng của những bậc nữ lưu trong Phật giáo ước nhà điển hình như gương sáng Thánh tử đạo của Sư Bà Diệu Quang, những chư Ni trưởng thượng đã có nhiều cống hiến cho Đạo Pháp như Sư Bà Diệu Không, Ni Sư Trí Hải…, những tấm gương sáng của những chị cả suốt cuộc hy hiến cho đạo pháp và lý tưởng GĐPT như chị Cúc, chị Thảo…để các chị theo gương mà tiếp bước sống xứng đáng là người Nữ Phật Tử tại gia gương mẫu.
Tiếp theo lễ khai mạc là hội thảo đề tái “Xây dựng hình ảnh người nử huynh trưởng trong gia đình và xã hội”. Một đề tài hết sức thiết thân với các chị, thế cho nênbuổi hội thảo đã diễn ra hết sức sôi nổi.
Buổi chiều là phần thực hành, kỷ năng cầm đoàn và tiếp tục phần chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm tu học và kỷ năng cầm Đoàn.
Đúng 16 giờ khi những tia nắng cuối ngày sắp tàn phai thì ngày Hạnh 2013 của GĐPT BRVT cũng đã khép lại. Vòng tròn thân ái được kết chặt và điệp khúc bài hát chia tay vang lên “…gang thép ta chia tay đừng buồn..”. Những tà áo lam lại trở về nơi trú xứ trong sự luyến tiếc, một ngày vui qua mau…
Anh chị em Lam viên thân mến.
Đề tài hội thảo tại ngày Hạnh GĐPT Bà Rịa Vũng Tàu là “Xây dựng hình ảnh người nữ huynh trưởng trong gia đình và xã hội”. Đây là một đề tài hết sức gần gủi với cuộc sống đời thường của quý chị em. Làm thế nào để một người nữ huynh trưởng vừa làm tròn chức năng làm con, làm vợ, làm mẹ trong gia đình vừa cống hiến cho lý tưởng GĐPT?. Làm thế nào để một huynh trưởng nữ thể hiện được hình ảnh một người hunh trưởng GĐPT thông qua đời sống thường ngày? Những vấn đề trên được đưa ra thảo luận trong ngày Hạnh GĐPT BRVT và đã được nhiều chị em trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và đề ra những cách ứng xử khi gặp rắc rồi trong cuộc sống..
BBT trang nhà GĐPT.BRVT xin đăng nguyên văn đề tài hội thảo để chị em Lam viên bốn phương tham khảo và góp ý thực hành.
XÂY DỰNG HÌNH ẢNH CỦA NGƯỜI NỮ HUYNH TRƯỞNG
TRONG GIA ĐÌNH VÀ XÃ HỘI
I/ MỞ ĐẦU:
Với cái nhìn thế gian, người phụ nữ nói chung có hai thiên chức mà từ cổ chí kim, từ hồng hoang sơ khai cho đến hiện đại không ai có thể chối cải được đó là: Thiên chức làm vợ và Thiên chức làm mẹ.
Từ dân dã cho đến bậc quân vương, từ kẻ kém hèn hạ liệt cho đến thánh triết hiền nhân cùng xuất sanh từ bụng mẹ, cũng từ dòng sữa mẹ,cũng từ vòng tay mẹ mà lớn lên. Cho nên nhân cách phẩm hạnh của người mẹ có ảnh hưởng rất lớn đến tương lai của các con và nhân cách phẩm hạnh của người vợ thì quyết định phần lớn trong vấn đề hạnh phúc của gia đình.
Gia đình, xã hội, đạo pháp và dân tộc đều được xây dựng từ tế bào gốc là con người. Do đó, vai trò người phụ nữ thật to tát, trọng đại và thiêng liêng biết bao. Khi tiếp nhận được giáo lý Phật Đà, ta hiểu chính hai thiên chức trên là nhân để tạo sự kế thừa, cột chặt mỗi chúng ta trong sự ràng buộc của gia đình. Trở thành Nữ Huynh Trưởng, chúng ta cần biết điều chỉnh sao cho có sự hài hoà, đồng điệu trong mối quan hệ gia đình, xã hội và tổ chức GĐPT.
II/ HÌNH ẢNH NGƯỜI NỮ HUYNH TRƯỞNG TRONG GIA ĐÌNH:
1) Trong vai trò của một người con:
Xã hội ta đó đây vẫn còn chịu ảnh hưởng của tư tưởng “ Trọng nam khinh nữ” (Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô), bởi cái quan niệm “ nữ sanh ngoại tộc” ( con gái là con người ta) vì lập gia đình rồi thường con gái ít có điều kiện lo cho cha mẹ ruột. Thực tế cuộc sống ngày nay cho thấy dù là trai hay gái nếu có suy nghĩ đúng đắn, có ý chí, quyết tâm và nỗ lực hành động đều có cách báo đền công ơn cha mẹ, thể hiện bổn phận của người con , giữ được đạo hiếu. Ngoài ra, sống có trách nhiệm đối với bản thân, với gia đình và xã hội, tránh làm cho cha mẹ phải lo lắng vì ta, đem lại danh thơm tiếng tốt cho cha mẹ cũng là một biểu hiện cần có ở con cái. Còn đi học, chúng ta cố gắng học thật tốt để có đủ điều kiện chọn lựa nghề nghiệp theo ý muốn, để có thể có đủ bản lĩnh làm chủ bản thân, không sống đời ỷ lại, lệ thuộc. Tập trung cho việc học, ta không chỉ quan tâm đến kiến thức thế gian mà còn phải thấm nhuần lời dạy của đức Phật để có chánh kiến, chánh tư duy, chánh niệm, chánh ngữ, sống chánh tinh tấn, chánh định, chánh mạng, chánh nghiệp. Đã trưởng thành, dù đã có chồng con, ta phải biết chia sẻ trách nhiệm với những người thân trong gia đình để phụng dưỡng cha mẹ, sống đúng chánh pháp. Phải vượt lên những thường tình của thế gian, đừng để khi cha mẹ mất rồi mới giật mình, ân hận. Nếu nhẹ nghiệp, sống không vướng vào vòng trói buộc của duyên nợ lứa đôi, cần dành nhiều thời gian cho việc phụng dưỡng cha mẹ, quan tâm nhiều đến đời sống tinh thần, tu tập vì cách sống này có nhiều điều kiện hoàn thiện bản thân.
2) Trong vai trò của người vợ:
Bước vào cuộc sống lứa đôi, phần lớn (không muốn nói là tuyệt đại đa số) người vợ nắm tay hòm chìa khoá, kinh tế của gia đình. Người vợ đoan trang, khéo thu vén là niềm tự hào vô bờ của người chồng và là niềm hãnh diện của các con.
Người vợ đảm đang: Các thành viên chồng, con sẽ coi gia đình là mái ấm, không nơi nào so sánh nỗi. Đi đâu, từng thành viên ấy cũng thấy nhớ nhung từng miếng ăn, giấc ngủ và nếp sống của gia đình.
Vòng tay âu yếm thân ái: Sẽ là điểm tựa, là nguồn năng lực giúp người chồng thêm năng lực để thành công trên đường đời, là vùng trời bình yên để các con an trú, vượt qua những vấp ngã. Người vợ ngăn nắp, chi tiêu có kế hoạch, hợp lý sẽ giúp kinh tế gia đình ngày một ổn định.
Vấn đề quan trọng ở đây Là người vợ hiền, bậc cha mẹ tốt chúng ta không những chỉ lo cho gia đình được no đủ mà còn phải làm sao cho gia đình có nếp sống đạo trở thành truyền thống để gia đình có hạnh phúc chân thật. Đó là vấn đề phật hóa gia đình. Phật hóa gia đình là phương pháp làm cho gia đình có hạnh phúc chân thật bằng cách vận dụng Phật Pháp vào sinh hoạt gia đình một cách nhuần nhuyễn, khéo léo không có tính cách cứng ngắc, nhồi nét, tuyên truyền có thể thực hành Phật hóa gia đình song song trên hai phạm trù tướng và tánh.
Về sự tướng thì một bàn thờ phật tư gia và những thời kinh ngắn dành cho cả gia đình rất cần thiết và có tác dụng lâu dài. Chỉ cần 15 phút với một thời sám hối hoặc cầu an buổi tối; một thời kinh báo ân vào sáng chủ nhật hằng tuần sẽ tạo nên không khí ấm cúng và đầy ý nghỉa cho cả gia đình trong tuần. Việc ta học không phải là độc quyền riêng của người lớn, do đó những lúc quý thầy thuyết pháp chỉ nên phương tiện khuyến khích chồng và các con cùng đi, vừa tạo được niềm vui như một cuộc đi chơi giải trí, vừa có tác dụng một món ăn tinh thần bổ ích cho cả gia đình.
Về lý tánh thực hành thì có lẽ gần gũi, phong phú nhất là thể hiện tinh thần lục hòa và bát chánh trong giao tiếp sinh hoạt gia đình. Với tinh thần lục hòa gia đình sẽ trở nên hòa thuận hơn vì chúng ta sẽ không nhân danh cha mẹ mà độc đoán với con cái (ý hòa đồng duyệt), anh chị không ức hiếp em út; mỗi một ưu thế, mỗi một lợi lạc, hưởng thụ dù nhỏ, mỗi thành viên trong gia đình đều chia sẽ với nhau trong tinh thần cảm thông bình đẵng (lợi hóa đồng phân, kiến hòa đồng giải). Với tinh thần bát chánh, mọi người sẽ cùng nhận được niềm hạnh phúc và an lạc tự tâm mà không cần phải vay mượn từ bên ngoài. Ở mức độ đơn giản ta có thể vận dụng tinh thần bát chánh đến mọi thành viên gia đình một cái nhìn đúng đắn về mọi vấn đề đời sống trong tương quan nhân quả: suy nghĩ đúng đắn không lệch lạc, nổ lực chuyên cần, siêng năng yêu mến công việc mình đang làm, kiếm sống bằng nghề lương thiện … Đó là ta đã áp dụng bát chánh đạo vào đời thường. Có vô số thí dụ về tinh thần lục hòa và bát chánh trong đời sống hằng ngày
3) Trong vai trò của người mẹ:
Vấn đề quan trọng cần đặt ra trong gia đình của chúng ta là các con. Chúng ta không thể làm một người vợ tốt nếu không làm tròn chức năng người mẹ; ngược lại chúng ta cũng không thể là một người mẹ hiền nếu chúng ta không phải là một người vợ đảm đang vì người mẹ đối với con, người vợ đối với chồng là hai mấu chốt quan trọng trong vấn đề hạnh phúc gia đình, là thiên chức làm mẹ. Chúng ta hạnh phúc bao nhiêu khi được yêu thương chăm sóc các con và gầy dựng từng bước nhìn các con mình trưởng thành trong xã hội. Thiên chức làm mẹ và làm vợ mật thiết với nhau mà ta không thể tách rời được. Một gia đình hạnh phúc không thể có những đứa con thiếu giáo dục, người mẹ thiếu bổn phận với các con…. Ngược lại nếu một người phụ nữ chỉ biết lo cho chồng mà không lo giáo dục con cái hay chi biết lo cho con cái mà quên hẳn người chồng … đều là những cực đoan sẽ dẫn gia đình đi đến bất hạnh và đổ vỡ. Vì vậy trong trách nhiệm đối với các con quý chị vẫn phải vận dụng tinh thần lục hòa và bát chánh vào công việc giáo dục các con mình, chúng ta không chỉ nuôi con mà phải để ý đến các nhu cầu tâm sinh lý tỉ lệ với các giai đoạn trưởng thành của chúng y như người huynh trưởng giáo dục đàn em trong GĐPT của mình ở các độ tuổi oanh, thiếu … Chỉ khác một điều là ở đơn vị chúng ta chỉ nhận nhiệm vụ đối với một ngành, một đoàn, một độ tuổi nhất định thì ở gia đình riêng chúng ta phải điều khiển cả một đoàn phức tạp với đủ mọi độ tuổi và giới tính khác biệt, cùng mọi trình độ khác nhau với các thời khóa biểu đầy ắp trong ngày. Công việc giáo dục các con chúng ta vừa nặng nhọc vừa phức tạp vô cùng trong khi trên thực tế không phải ai trong chúng ta đều được phước báu có những đứa con ngoan, biết vâng lời cha mẹ theo kiểu “Nhơn chi sơ, tánh bổn thiện” của khổng tử. Rất có thể trong số các con chúng ta có đứa khó dạy, cứng đầu, ngổ nghịch. Là huynh trưởng Phật tử chúng ta không tự kiêu khi có được những đứa con ngoan, thông minh, chăm chỉ; ngược lại chúng ta cũng không tuyệt vọng khi thiếu phước, có những đứa con đần độn, khó dạy, lười biếng, ngổ nghịch … Bởi vì hơn ai hết chúng ta biết rằng đó chỉ là do thiện ác, nghiệp báo trong nhiều đời của chúng ta. Chúng ta đã vay thì nay phải trả, chúng ta đã cho thì nay nhận; đã trồng cội phước thì nay gặt phước báo, đã gieo ác nhân thì nay gặt ác quả … thế thôi … Do vậy, là một người mẹ thương con, một người chị trưởng thâm nhập giáo lý Phật Đà chúng ta luôn luôn chấp nhận những gì đến với mình một cách bình thản, chịu đựng và luôn dùng lòng từ ái bao dung của người mẹ để cảm hóa chúng sanh, nhất là khi chúng sanh đó do mình mang nặng đẻ đau, diệu dụng của luật nhân quả là ở đó, nếu nó đòi nợ mình thì mình phải trả chớ sao! Giá như oan gia này hiện dưới dạng người láng giềng thì có thể xảy ra chửi mắng, cải vả, mâu thuẩn đối nghịch , thậm chí có thể đánh lộn; nhưng khi oan gia đã là đứa con đứt ruột đẻ ra thì chỉ có chịu đựng và chịu đựng trong tình thương và lòng từ ái để cảm hóa nó. Đôi lúc sự nhẫn nhục nầy khiến chúng ta bị mang tiếng là “con hư tại mẹ” nhưng cũng chính sự nhẫn nhục và lòng bao dung của người mẹ một ngày nào đó khi những thiện duyên chính muồi (sự phật hóa gia đình, nếp sống đạo đức gia đình) sẽ khiến chúng tự cải hối và chuyển đổi tính cách. Không thể kể lí những đau khổ phiền não khi chúng ta có những đứa con ngổ nghịch; tuy nhiên Đức Phật dạy có 84 ngàn phiền não thì pháp Phật cũng có 84 ngàn pháp môn đối trị; vậy thì chị em chúng ta hãy tùy duyên, phương tiện từng bước một chuyển hóa các con mình để tạo dựng được một mái ấm hạnh phúc gia đình trong tinh thần từ bi trí tuệ của phật giáo. Tất cả đó đòi hỏi ở chúng ta sự nổ lực tinh tấn, niềm tin và tình thương của một người mẹ, kiến thức và kinh nghiệm của một huynh trưởng, chắc chắn chúng ta sẽ làm tròn nhiệm vụ cao cả của mình với nụ cười nhẹ nhàng trên môi như những bà mẹ, những người chị đã đi trước chúng ta.
III/ HÌNH ẢNH NGƯỜI NỮ HUYNH TRƯỞNG TRONG XÃ HỘI- HÌNH ẢNH NGƯỜI CƯ SĨ, NGƯỜI PHẬT TỬ TẠI GIA GƯƠNG MẪU:
A Với tự thân, với tổ chức:
Tu tập theo Kinh Ưu Bà Tắc Giới (Bài học Bậc Kiên). Hướng tu tập này xây dựng trên nền tảng Bi- Trí- Dũng, vừa tiến trên đường giải thoát, giác ngộ vừa có thể trở thành một Bồ Tát tại thế, cùng kiến tạo cảnh giới an vui, tịnh độ ngay trong cõi Ta Bà này.
1. Không ngừng trao dồi nhân cách đạo đức:
GĐPT là một tổ chức giáo dục khai phóng, không nặng vấn đề từ chương khoa cử mà là lấy thân giáo tạo niềm tin nơi tuổi trẻ theo sự hướng dẫn của chúng ta mà thực hành cho nên Giới luật – Oai nghi – Tế hạnh qua ăn uống ngủ nghỉ, đi đứng nằm ngồi là tất cả những bài học không lời nhưng có tính thuyết phục mãnh liệt.
2. Tiến tu cầu học, phục vụ tổ chức:
Tu học, nghiĩa là học và tu, học chánh pháp, thực hành chánh pháp một cách nhuần nhuyễn trong đời sống hàng ngày cũng như đời sống một huynh trưởng, có thế ta mới có thể hoàn thiện bản thân trở thành tấm gương sáng để các em noi theo. Nếu ta chỉ học mà không tu thì rất nguy hiểm: người huynh trưởng sẽ không thể vượt qua chính mình bởi “tam độc tham sân si từ vô thủy”. Như vậy, ta lấy gì làm gương cho các em? Muốn phụng sự tổ chức tốt, ta phải hiểu rõ hệ thống, phương pháp huấn luyện để hướng dẫn các em đi đúng hướng, đúng mục đích của tổ chức. Tuân kỷ luật, chịu huấn luyện là điều mỗi HTr phải thể hiện đầu tiên.
HTr cần phải có đức tánh hy sinh. Ta không thể hy sinh thời gian, công sức, tiền bạc, công danh, sự nghiệp ……đồng nghĩa với việc ta không thể hy sinh, phục vụ cho tổ chức, hy sinh cho đàn em. Khi ấy, cho dù ta có giỏi cách mấy cũng chẳng thể nào đem cái tài để phục vụ tổ chức, vì có đến được với áo lam đâu mà nói đến phụng sự.Ta vốn biết chỉ có tình yêu thương mới khiến con người sẵn sàng hy sinh, cha mẹ hy sinh cho con cái, anh chị hy sinh cho em út, con cháu hy sinh vì ông bà, tín đồ hy sinh cho đạo pháp…
GĐPT là một tổ chức giáo dục qua hình thức sinh hoạt tu học cho nên lựa chọn pháp môn tu học và hạ thủ tu trì mới có năng lực, mới có đạo lực toả ra từ lực, bi lực và phát khởi huệ lực mới có thể đối trị với các em có cá tính và nhất là tinh thần phục vụ tổ chức.
Nói đến người nữ thì hay nói đến từ HẠNH, là nói đến việc làm và tấm lòng. Bởi vậy chúng ta tổ chức lễ hội truyền thống là ngày Hạnh. Biểu tượng noi theo là Đức Thiên Thủ Thiên Nhãn Vô Ngại Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát. Ngài có ngàn mắt ngàn tay, mỗi bàn tay có một con mắt, mắt đã thấy thì tay làm chứ không phải là miệng nói. Vậy nói đến ngày Hạnh là phải nghĩ ngay đến việc xây dựng cho mỗi thành viên phẩm chất tứ đức: “Công- Dung- Ngôn –Hạnh” chứ không chỉ thu gọn trong nghĩa hẹp của từ “Hạnh”.
3.Trung kiên – Thăng tiến – phát triển:
Đoàn thể hội đoàn, tổ chức nào cũng đòi hỏi nơi Đoàn viên sự trung kiên mới giữ vững được tổ chức, nhất là những lúc dầu sôi lửa bỏng, và khi mà những thế lực ma quái luôn muốn đè bẹp và cô lập chúng ta.
Xã hội ngày một văn minh hiện đại, chúng ta càng phải biết thăng tiến cá nhân, xứng tầm với nhu cầu phát triển hiện tại, nếu dừng lại là bị tụt hậu, là bị đào thải.
Không phát triển là dừng lại, là tụt hậu, là tự đào thải mình ra khỏi cộng đồng, chúng ta không ai muốn điều này xảy ra nên phải tiến lên.
Là một huynh trưởng, trước hết ta phải là một Phật tử thuần thành. Chẳng những chỉ lo cho sinh hoạt GĐPT/VN mà còn phải tham gia tích cực những sinh hoạt của Phật giáo địa phương. Đó chính là tinh thần phụng sự và bảo vệ đạo pháp.
“Đạo pháp xương minh là do Tăng già hoằng hoá, thiền môn hưng thịnh là do Đàn việt phát tâm.” Chúng ta là Đàn việt, đoàn sinh chúng ta là đàn việt, phụ huynh các em là đàn việt, cho nên hướng dẫn tốt, sinh hoạt tốt, gương mẫu để các em noi theo.
Người huynh trưởng nói chung và người nữ huynh trưởng nói riêng phải luôn gương mẫu, tinh tấn trong sinh hoạt, đó là một trong những chất liệu nhằm thúc đấy sự sinh hoạt của toàn đơn vị hay nói cách khác là sự chung tay góp sức của từng thành viên để xây dựng GĐPT. Do vậy, người nữ huynh trưởng dù phải gián đoạn sinh hoạt nhiều lần hoặc nhiều năm (do thực hiện thiên chức làm mẹ) cũng không quên được môi trường GĐPT, không quên được nhiệm vụ và sứ mạng của mình cho nên các chị đã tự khắc phục, thu xếp để đến được với gia đình Lam trong một ngày sớm nhất có thể được. (Điển hình như chị Tâm Minh Vương Thúy Nga, HTr cấp Dũng, hiện là Ủy viên Giáo Dục BHD GĐPT Việt Nam Trên Thế Giới, đến với tổ chức từ những năm 50 trong sinh hoạt đoàn Liên Hương, sát cánh bên chị cả Hoàng Thị Kim Cúc trong những kỳ trại huấn luyện HTr, nuôi dạy 4 con trưởng thành, hiếu thuận; chị Diệu Lãng Nguyễn Thị Nguyệt, PTB ngành Nữ GĐPT Việt Nam từ năm 1998 đến nay…)
B. Với xã hội:
Phật ra đời không nhằm đánh đổ, đả phá những gì mà thế gian đang có hoặc đang hoài bảo và ước vọng mà là giúp thế nhân thành tựu các vấn đề ấy trên căn bản chánh pháp.
1.Tô bồi nền luân lý đạo đức truyền thồng tốt đẹp- Bảo toàn và phát triển văn hoá dân tộc:
- Dân tộc ta vốn trọng hiếu đạo và giàu lòng nhân ái. Thực hành lời Phật dạy:
“ Thượng báo tứ trọng ân, hạ hoá tam đồ khổ” là chúng ta đã làm tốt việc xã hội.
Để bảo toàn và phát triển văn hoá dân tộc, ta luôn nhớ và thực hành ý thứ hai trong mục đích của GĐPT “……..góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật giáo”.
- Tinh thần vô ngã vị tha, quên mình vì người khác là một nét đẹp cao thượng trong giao dịch xã hội.
- Tinh thần uống nước nhớ nguồn, ăn trái nhớ kẻ trồng cây phải chăng đã bắt nguồn từ tinh thần Tứ ân đã là nếp văn hoá đặc trưng của dân tộc.
- Với hai châm ngôn lấy trí tuệ làm sự nghiệp(giải trừ mê tín dị đoan, không tuân phục đa thần giáo), lấy từ bi làm căn bản cho mọi quan hệ xã hội, ta thực hành “Tứ Nhiếp Pháp”, thể hiện hạnh nguyện lợi tha.
- Với châm ngôn Bi – Trí – Dũng làm tiêu chí cho mọi hành động của cuộc sống, ta dấn thân phụng sự đạo pháp, phụng sự dân tộc, phụng sự hòa bình.
- Với tinh thần tuỳ duyên bất biến, bất biến mà tuỳ duyên, ta làm cho cuộc sống nhân bản nở hoa, không cố chấp mà phải cao thượng hoạt dụng, giải trừ mâu thuẫn .
2.Vun trồng mầm non tương lai cho đất nước, cho nhân loại:
Đó là sứ mệnh giáo dục của tổ chức. Hãy luôn tinh tấn sống theo châm ngôn Bi- Trí- Dũng, soi rọi mình hằng ngày với 5 điều luật của tổ chức, giữ gìn 5 hạnh của người Phật tử, tu tập theo định hướng “Giới- Định- Huệ”mới có thể phát triển tổ chức ở tương lai trong lý tưởng “Đào luyện thanh, thiếu, đồng niên thành Phật Tử chân chánh, góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật giáo”.
IV/. KẾT LUẬN:
Ta từng nghe yêu nhau mấy núi cũng trèo mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua, khi yêu ta có thể vượt qua mọi khó khăn trở ngại trong cuộc đời. Chắc chắn, ngành Nữ sẽ không thiếu trưởng nếu như mỗi trưởng nữ chúng ta thật sư yêu mến tổ chức, thương yêu đàn em, đó sẽ là động lực mạnh mẽ giúp ta vượt qua mọi chướng duyên trong cuộc sống vô thường đầy dẫy những điều bất ý nơi cõi Ta Bà này..
Làm thế nào để huynh trưởng nữ có thể sinh hoạt thường xuyên, có thể giữ được lời phát nguyện khi nhận ngọn đèn Vô Tận Đăng trong đêm phát nguyện cuối trại Huấn luyện? “Hạnh nguyện Huynh trưởng” đòi hỏi ta phải phát Bồ Đề tâm, giữ Bồ Tát giới, hành Bồ Tát hạnh. Ta đã nghe “ Tâm bình thế giới bình” hay “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Theo giáo lý Phật đà, con người chính là chủ thể của mình, có thể quyết định vận mệnh của mình từ trong quá khứ cũng như trong hiện tại và vị lai, không một đấng tối cao hay thượng đế nào ban vui giáng họa; sướng khổ vui buồn hay an lạc thảnh thơi cũng chính do mình tạo nên. Huynh trưởng nữ chúng ta phải thấu hiểu sâu sắc và thâm nhập ý nghĩa này. Khi đó, chắc chắn chúng ta sẽ không còn bị mọi cái cám dỗ trong cuộc đời kéo đi mãi mà không biết điểm dừng, lúc này việc sinh hoạt thường xuyên, đến với đoàn, gia đình, tổ chức sẽ trở nên dễ dàng và chúng ta sẽ làm tốt vai trò người Nữ HTr, tạo nên hình ảnh đẹp của người chị trưởng Áo Lam trong đàn em cũng như ngoài xã hội.
Phản hồi (0)
Trackbacks - Pingbacks (0)